Ăn uống, là nhu cầu thiết yếu của con người. Nhất là tại Việt Nam, việc thuê một mặt bằng và mở một cửa hàng đồ uống là khá dễ dàng, các vấn đề về giấy tờ pháp lý cũng được xử lý dễ hơn rất nhiều so với việc mở một mô hình doanh nghiệp. Khi bạn tích được một số vốn nhất định, có lẽ việc mở một cửa hàng cà phê là điều mà rất nhiều người nghĩ đến.

Nhưng bắt tay vào làm bất cứ một điều gì, việc đầu tiên vẫn là hình thành ý tưởng. Bạn không thể mở một quán mà mông lung không biết mình sẽ bán gì, bán cho ai, nhìn nó sẽ như thế nào. Cái bạn cần làm là phát triển những ý tưởng lượm lặt trong đầu, hệ thống hóa chúng thành một concept cửa hàng. Hãy trả lời những câu hỏi sau, và bạn sẽ thấy bức tranh quán bạn hiện lên rõ hơn.

1. Khách hàng của bạn là ai?

Khách hàng sẽ quyết định sản phẩm của bạn. Mỗi độ tuổi sẽ có sở thích, nhu cầu, thói quen sử dụng và khả năng chi trả khác nhau. Sản phẩm của bạn phải được xây dựng dựa trên những gì phù hợp với khách hàng. Hãy bớt suy nghĩ “bán cho mọi đối tượng” đi, vì mây tầng nào sẽ gặp mây tầng đấy. Một khách hàng sang trọng sẽ không muốn bước vào cửa hàng bình dân, một khách hàng trẻ tuổi sẽ không muốn bước vào cửa hàng già nua. Hiểu khách hàng bạn mới biết họ cần gì để xây dựng một concept phù hợp cho họ cả về không gian lẫn đồ uống.

2. Thị trường của bạn có tiềm năng không?

Nếu như ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… cạnh tranh là rất lớn, thì ở các thành phố thuộc tỉnh, thị trường còn đang rất tiềm năng. Nhưng song song với đó, bạn cần cân đối tiếp về mật độ dân số và khoanh vùng cả khu vực bạn muốn mở cửa hàng. Nếu ở thành phố lớn, tìm mặt bằng rộng rất khó và đắt, thì ở tỉnh nhỏ, mặt bằng lại nhiều và rẻ. Tuy nhiên, lượng dân cư không quá đông để có thể giúp cửa hàng bạn luôn được phủ kín. Việc vung tiền vào làm một cửa hàng to rộng quá so với nhu cầu thị trường có thể sẽ là con dao hai lưỡi khiến quán bạn bị trống trải, từ đó gây hiệu ứng không tốt cho khách hàng. Hãy xây dựng một cửa hàng với quy mô vừa đủ với tiềm năng thị trường mình, vì hãy nhớ rằng bạn mở quán sẽ có người khác mở tiếp sau mình, miếng bánh sẽ tiếp tục bị chia sẻ.

3. Bạn đặc biệt thích điều gì ở việc trải nghiệm quán?

Bạn có thích đi la cà quán xá, lượm lặt ý tưởng không? Nếu bạn có một sở thích nhất định về một không gian nào đó, vô hình chung trong đầu bạn cũng đang hình thành dần không gian quán cho chính mình rồi đó, vì người ta thường thích xây dựng mọi thứ theo những gì mình yêu thích. Nếu bạn là người hay để ý đến tiểu tiết, thì những chi tiết nho nhỏ gây điểm cho bản thân bạn, cũng sẽ giúp ghi điểm trong lòng khách hàng của bạn nếu bạn triển khai được nó ở cửa hàng mình. Hãy note tất cả chúng lại trong một tờ giấy, và triển khai dần cho quán mình sau này nhé.

4. Cuối cùng là tài chính của bạn có bao nhiêu?

Ngân sách dành cho việc mở quán có thể chia cơ bản thành những chi phí như sau:

  • Đầu tư cho mặt bằng
  • Đầu tư cho tài sản cố định
  • Đầu tư xây dựng sản phẩm và hệ thống vận hành
  • Đầu tư cho hệ thống nhận diện
  • Dự phòng rủi ro

Rất nhiều chủ cửa hàng ngồi liệt kê các chi phí như: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền nhân viên… Nhưng không biết phân loại chúng như thế nào cho phù hợp và khoa học. Nhiều người còn quên luôn khoản “dự phòng rủi ro”, nên khi gặp các biến cố đột xuất như dịch Covid 19, thì phải ngậm ngùi đóng cửa sau vài tháng không duy trì nổi chi phí, rất đáng tiếc. Nên bất cứ mô hình kinh doanh nào cũng thế, không phải chỉ chăm chăm vào làm quán là xong, mà bạn còn cần cân đối các chi phí khác nữa. Nếu như quá chú trọng vào không gian mà quên không tính các khoản khác, bạn sẽ bị “quá lố”. Việc định giá sản phẩm lại không được tính toán kỹ rất dễ khiến bạn bán lỗ hoặc chỉ đủ hòa vốn.

Đọc đến đây rồi, bạn đã hình dung rõ hơn về đứa con tinh thần của mình chưa? Nếu rồi, hãy lấy bút ra hệ thống lại chúng theo một bức tranh khoa học và có bố cục hơn, những mắt xích sẽ dần liên kết lại nhau.

Chúc bạn hiện thực hóa ý tưởng thành công!

Nguồn: https://toongcenter.vn/

 

Bài viết liên quan

scrolltop